Saturday, 20/04/2024 - 08:07|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường TH&THCS Xy - Hướng Hóa - Quảng Trị
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vĩnh Linh từng bước nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo

(QT) - Những năm qua, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) huyện Vĩnh Linh đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong quản lí, dạy và học. Từ đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản về giáo dục tại địa phương, phấn đấu cơ bản hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 28/12/2016 của HĐND huyện Vĩnh Linh về phát triển GD-ĐT huyện Vĩnh Linh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đề ra.

Các em học sinh huyện Vĩnh Linh tham gia Ngày hội Tiếng Anh cấp Tiểu học, năm học 2018-2019 do Sở GD-ĐT Quảng Trị tổ chứ​c

Xác định tầm quan trọng của sự phát triển GD-ĐT là động lực, là điều kiện và cũng là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 17/NQ-HĐND huyện Vĩnh Linh đã đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2020, GDĐT huyện sẽ có cơ sở vật chất trường học đảm bảo cho dạy học, trang thiết bị dạy học hiện đại; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí có phẩm chất và năng lực, trình độ chuyên môn cao; chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn nằm trong tốp đầu của tỉnh; chú trọng giáo dục đạo đức, thể chất, kĩ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; giữ vững các phong trào và vị trí thi đua khen thưởng với nhiều chỉ tiêu dẫn đầu tỉnh; xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; tạo được nguồn nhân lực lao động cao có trình độ tiếp cận khoa học kĩ thuật trong lao động, sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về GD- ĐT mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đã đề ra.

Theo đó, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về chủ trương phát triển sự nghiệp GD-ĐT. Khai thác có hiệu quả nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về lĩnh vực GD-ĐT; tăng cường tìm kiếm sự viện trợ của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm nhằm cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học. Xây dựng đúng định mức và thực hiện theo phân kì đầu tư hợp lí, trong đó có xác định ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, xây dựng cơ sở vật chất trường học tại các xã đặc biệt khó khăn, miền núi. Mặt khác, huyện cũng thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lí đội ngũ giáo viên và nhân viên theo đúng quy định, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, tay nghề để vừa thực hiện tốt chất lượng giáo dục toàn diện, vừa hoàn thành nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục. Tăng cường sử dụng thiết bị dạy học, phương pháp dạy học mới nhằm dạy học theo đối tượng, phát huy được năng lực cá nhân của học sinh; huy động sự đóng góp trí tuệ của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong phong trào nghiên cứu khoa học. Thực hiện phân cấp quản lí, cải cách hành chính và cơ chế phối hợp, phát huy tính năng động, tự chịu trách nhiệm về kết quả giáo dục của địa phương và các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lí nhà nước về GD - ĐT. Thực hiện tốt các chính sách nhằm đảm bảo bình đẳng về cơ hội học tập, hỗ trợ và ưu tiên phát triển GD- ĐT nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Bên cạnh đó, huyện còn tiến hành bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách quản lí, cải cách thủ tục hành chính cho phù hợp với thực tiễn hoạt động xã hội hóa giáo dục đúng pháp luật và phát triển vững chắc.

Đến thời điểm hiện tại, một số chỉ tiêu đã đạt và vượt mức chỉ tiêu mà Nghị quyết số 17/ NQ-HĐND về phát triển GD- ĐT huyện Vĩnh Linh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã đề ra như: Tỉ lệ huy động học sinh trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở đến trường đạt 100%; 100% số xã, thị trấn duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ II và mức độ III; tỉ lệ đạt chuẩn của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các bậc học mầm non và phổ thông đạt 100%... Số lượng học sinh ở các cấp học có chiều hướng tăng dần hằng năm, mạng lưới trường lớp phát triển ổn định, trong đó đã thành lập mới Trường THPT Bến Hải và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Ô.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong những năm qua ngành GD-ĐT huyện Vĩnh Linh còn đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục mũi nhọn. Để trở thành đơn vị luôn nằm trong top đầu về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi văn hóa của tỉnh, Vĩnh Linh đã triển khai nhiều giải pháp giáo dục đồng bộ, sáng tạo và cụ thể. Chỉ tính riêng trong năm học 2018 - 2019, toàn huyện có 196/265 em thuộc các cấp học Tiểu học, THCS, THPT tham gia dự thi học sinh giỏi Văn hóa - Khoa học kĩ thuật cấp tỉnh và cấp quốc gia đoạt giải, chiếm tỉ lệ 73,9% số học sinh dự thi. Cụ thể, ở cấp Tiểu học và THCS, các trường đã bồi dưỡng, tuyển chọn học sinh giỏi để tham gia thi đầy đủ 12 bộ môn với 3 loại hình thi học sinh giỏi do Sở GDĐT tổ chức; chủ động tham gia các cuộc thi Toán học, Tiếng Anh qua mạng cấp quốc gia. Kết quả, tỉ lệ học sinh đoạt giải tăng 26,8% so với năm học trước. Nhiều bộ môn có bước đột phá về chất lượng giải như Sinh học, Toán học, Vật lí…. Nhiều đơn vị có nhiều học sinh đoạt giải như THCS Cửa Tùng, THCS Vĩnh Chấp, THCS Nguyễn Trãi, THCS Lê Quý Đôn, THCS Vĩnh Sơn… Ở khối THPT, tổng hợp kết quả dự thi học sinh giỏi cho thấy có 114/168 học sinh đoạt giải, trong đó có 1 giải Nhất, 14 giải Nhì, 41 giải Ba và 58 giải Khuyến khích. Bên cạnh đó, toàn ngành đã có16 tập thể giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi văn hóa thuộc Phòng GD-ĐT và khối THPT đạt các danh hiệu cấp tỉnh với 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 7 giải Ba và 4 giải Khuyến khích.

Nhằm thực hiện thành công những mục tiêu mà Nghị quyết số 17/NQ-HĐND đã đề ra, thời gian tới, huyện Vĩnh Linh tập trung phát triển GD-ĐT trên cơ sở đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Gắn phát triển GD- ĐT với phát triển kinh tế - xã hội của huyện, của tỉnh và cả nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục, giáo viên có năng lực nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức tốt, yêu nghề. Phát triển giáo dục miền núi, làm giảm sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa các nhóm dân cư và tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân. Xây dựng mạng lưới trường, lớp hợp lí theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của huyện.

Phòng TCCB-CTTT- Tin từ Thu Hạ-Báo Quảng Trị

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 30
Hôm qua : 93
Tháng 04 : 819
Năm 2024 : 6.538